Câu hỏi: Hãy cho biết cơ sở hình thành nền văn học (văn học dân gian và văn học viết) ở khu vực Đông Nam Á.
Trả lời
Cơ sở hình thành nền văn học (văn học dân gian và văn học viết) ở khu vực Đông Nam Á:
– Trước khi tiếp xúc với nền văn hóa lớn phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc thì văn học Đông Nam Á đã hình thành trên cơ sở văn hóa nói chung của Đông Nam Á thời tiền sử, đó là nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đây là nền tàng định hình cho sự phát triển văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất, đời sống tâm linh, tư duy triết lý của người dân Đông Nam Á.
– Trên cơ sở văn minh nông nghiệp lúa nước, văn học dân gian và văn học viết sinh sôi nảy nở. Văn học viết tuy ra đời muộn hơn song nó lại phát triển vô cùng mạnh mẽ với những đề tài “điển tích văn học” từ nước ngoài cũng như khai thác các tác phẩm trong nước.
>>> Xem đầy đủ: Soạn Sử 10 Bài 14: Hành trình phát triển và thành tựu văn minh Đông Nam Á cổ – trung đại
Thành tựu về nghệ thuật của văn minh Đông Nam Á
– Ngay từ thời đại kim khí, ở Đông Nam Á đã có một phong cách nghệ thuật riêng mà nhiều người gọi là phong cách Đông Sơn. Điều đó thể hiện qua những hoa văn trang trí trên gốm, trên các hiện vật bằng đồng tìm thấy ở Thượng Lào, ở Campuchia, Việt Nam, Thái Lan.
– Cư dân Đông Nam Á rất thích ca nhạc và múa tập thể. Ở bất cứ đâu, ở bất cứ một bộ tộc nào dù nhỏ bé đến đâu, người ta cũng thấy hàng chục làn điệu dân ca độc đáo: lăm, khắp, tỏm, tơi, ăn – nang – xứ của các bộ tộc người Lào, hát xoan, hát ghẹo, hát chèo, quan họ… của người Việt, đối ca của người Khơme, hát bọ mạng, bỉ và túm của người Mường, hát lượn của người Tày…
– Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, kiến trúc Đông Nam Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Ấn Độ (kiến trúc Hinđu và Phật giáo) và kiến trúc Hồi giáo.
Kiến trúc Hindu có thể chia làm hai loại:
+ Các đền thờ Hinđu ở Nam Ấn Độ được xây dựng từ đá nguyên khối, là những tháp có bình đồ (cấu trúc) là hình vuông hay chữ nhật.
+ Các đền thờ Hinđu ở Bắc Ấn Độ đã chịu phần nào ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo nên các đền thờ ở đây ngoài tháp chính còn có một số tháp phụ và các tháp đều có hình múi khế.
+ Cả 2 kiểu kiến trúc trên đều có mặt ở Đông Nam Á. Song phổ biến hơn cả là kiểu kiến trúc tháp có bình đồ là hình vuông hay chữ nhật. Điển hình của kiểu kiến trúc Hinđu ở Đông Nam Á là tháp Chàm ở Việt Nam và Ăngco Vát ở Campuchia.
Kiến trúc Phật giáo cũng có thể được chia làm 2 loại:
+ Chùa là nơi thờ tự, thờ hình tượng của Phật. Ở Ấn Độ những chùa có niên đại sớm đều là chùa hang (nổi tiếng nhất là những chùa hang ở Ajanta và Nasik).
+ Kiểu kiến trúc tháp – Xtuppa – là nơi thờ thánh tích của Phật. Đặc trưng của kiểu kiến trúc này là trên đỉnh tháp có hình vòm kiểu chiếc bát úp, trên xây phủ một lớp gạch và trên cùng là một tháp nhọn, tượng trưng cho chiếc bát và gậy khất thực của Phật.
Kiểu kiến trúc Hồi giáo vào Đông Nam Á muộn hơn và phổ biến ở những vùng mà Hồi giáo chiếm ưu thế.
Về điêu khắc, gắn liền với các tôn giáo là những pho tượng Phật, tượng thần Siva, Visnu, nữ thần Unia với rất nhiều các hình tượng khác nhau.
Từ đầu thiên niên kỷ II trở đi người ta lại chứng kiến một sự phát triển mới của loại hình nghệ thuật này với một tầm vóc, quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn, với những trung tâm kiến trúc và điêu khắc kỳ vĩ như khu đền Ăngco Vát ở Campuchia, Pagan ở Mianma, Xukhôthay, Ayuthaya ở Thái Lan, Thạt Luổng ở Lào v.v…
Đăng bởi: THPT Trịnh Hoài Đức
Chuyên mục: Lớp 10, Lịch sử 10